Ưu đãi

Ưu đãi

Cùng đến với Heiwa Academy để được nhận những ưu đãi hấp dẫn!

Quy định dạy thêm tại châu Á như thế nào?

icon admin

icon 20/12/2021

Dạy thêm - học thêm hiện vẫn phổ biến ở Hàn Quốc và Nhật Bản, trong khi đó, Trung Quốc đang siết chặt lại, nhằm giảm áp lực học tập cho học sinh.

Trong thập kỷ qua, Wang Wenjing đã vươn lên trong ngành công nghiệp dạy kèm tư nhân của Trung Quốc, thăng tiến từ việc dạy tiếng Anh sang điều hành hoạt động tại một trong những trường luyện thi trực tuyến lớn nhất nước này.

Nhưng kể từ cuối tháng 7, khi chính phủ ban hành quy định cấm dạy thêm vì lợi nhuận, Wang trông thấy ngành kinh doanh bùng nổ một thời đang rơi tự do.Theo quy định mới, các cơ sở luyện thi từ lớp một đến lớp chín bị cấm thu lợi bằng cách dạy các môn trong chương trình học. Giảng dạy vào cuối tuần và trong các ngày nghỉ lễ hoặc nghỉ học bị cấm. Các công ty dạy thêm cũng không được phép huy động vốn hoặc nhận đầu tư nước ngoài.
 
Sinh viên đại học ở Trung Quốc chờ nộp hồ sơ xin làm gia sư tại một trung tâm việc làm ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, tháng 7/2001. Ảnh: Reuters
Động thái mới của chính quyền Bắc Kinh nhằm đạt hai mục tiêu: cắt giảm bài tập về nhà và số giờ học thêm. Chính phủ lập luận rằng điều đó là cần thiết để cứu học sinh khỏi tình trạng kiệt sức, giảm bất bình đẳng và ngăn cha mẹ chi những khoản tiền lớn cho các lớp học kèm. Từ tháng 1/2022, tất cả hoạt động dạy thêm đều là bất hợp pháp.

Những biện pháp trên được xem đã bóp chết một ngành từng được ước tính trị giá hơn 100 tỷ USD, mang lại việc làm cho khoảng 10 triệu lao động.

Bà Wang, giám đốc của Homework Help ở Bắc Kinh, cho rằng nhiều công ty gia sư sẽ phá sản. "Nhiều bạn bè và đồng nghiệp của tôi mất việc vào tháng 7 hoặc tháng 8 và vẫn chưa tìm được việc làm khác", bà nói.

Homework Help đã phải đóng cửa 9 trong số 14 chi nhánh tại các thành phố trên khắp đất nước và sa thải khoảng một nửa lao động, tương đương 20.000 người.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi dạy thêm vì lợi nhuận là một "căn bệnh cứng đầu" khiến chi phí giáo dục tăng cao, tạo gánh nặng cho các gia đình và khiến các cặp vợ chồng ngại sinh thêm con. Theo ông, "một ngành đòi hỏi sự tận tâm không thể bị biến thành ngành tìm kiếm lợi nhuận".
Sau giờ học ở trường, học sinh Hàn Quốc thường đến thẳng các trung tâm luyện thi. Ảnh: AP
Trong khi Trung Quốc cấm dạy thêm thì ở Hàn Quốc, ngành công nghiệp này lại nở rộ. Người ta chỉ cần đến Daechi-dong là có thể quan sát tầm quan trọng của giáo dục trong xã hội Hàn Quốc. Quận ở đông nam Seoul này có hàng trăm trường tư, nơi học sinh có thể học Toán, tiếng Anh và hầu hết các môn khác. Trong lúc con học, các bố mẹ ngồi đợi trong xe, đôi lúc đến tận 22h, khi các trường phải đóng cửa.

Trong nhiều thập kỷ, Hàn Quốc đã cố gắng điều chỉnh lĩnh vực dạy thêm vì lợi nhuận, với những thành công khác nhau. Số liệu của Cục Thống kê Hàn Quốc cho thấy gần 3/4 học sinh tới các lớp học tư trong năm 2019. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chi tiêu trung bình cho giáo dục tư thục trên mỗi trẻ em ở Hàn Quốc cao hơn bất kỳ quốc gia châu Á nào khác.

Các trường dạy thêm ở Hàn Quốc được gọi là "hagwon". Hagwon đầu tiên được thành lập năm 1885 bởi một nhà truyền giáo người Mỹ. Một thế kỷ sau, cựu tổng thống Chun Doo-hwan đã tuyên chiến với lĩnh vực dạy thêm. Một trong những động thái chính thức đầu tiên của ông vào năm 1980 là cấm tất cả tiết học ngoại khóa.

Mục đích của ông cũng tương tự của chính phủ Trung Quốc ngày nay, là việc tiếp cận giáo dục phải công bằng hơn và ít gánh nặng tài chính hơn cho phụ huynh. Tỷ lệ sinh thấp một phần là do các bậc cha mẹ tương lai lo lắng về cách giáo dục con cái của họ.

Lệnh cấm kéo dài khoảng 10 năm, cho đến khi sinh viên đại học được phép làm gia sư và sau đó chính phủ cấp giấy phép cho một số học viện giáo dục. Nhưng việc giáo viên tổ chức dạy thêm vẫn là phạm luật nên thường xuyên xảy ra các cuộc truy quét vào những năm 1990. Họ phạt nặng bất kỳ giáo viên nào bị bắt quả tang. Một số thậm chí đã phải ngồi tù.

zalo Messenger